15-09-2021

Cô gái Y Sôn chia sẻ quy trình làm rượu cần của người Ca Dong

Hương vị rượu cần nếp thơm đậm đà ngọt hậu tại nhà của Già A Tăng còn đọng lại mãi trong nhóm. Ngày hôm sau, 14.9, nhóm quyết định quay lại và mời Y Sôn chia sẻ lại toàn bộ quy trình làm rượu ghè theo đúng cách của bà con Ca Dong. Và đoàn đã xin Y Sôn cho phép quay hình và ghi lại.

Hẹn được nhau lúc 9h sáng, nhóm đến nhà Già với sự tham gia của nhiều chị em khác trong gia đình. Cả chị gái, Mẹ Y Sôn, Y Sôn, và Đinh Thị Nam (con dâu của Già) đã chuẩn bị các nguồn nguyên liệu đầy đủ như là gạo bản địa, men, nồi nấu, củi, ghè, lá chuối và nước sạch, dây chun buộc chặt.

Một nhóm chuẩn bị chỗ để đun nước và nhen lửa. Không phải là nồi đồng hay nồi gang tốt nhất, nhưng Y Sôn đã làm sạch và dùng nồi to trong nhà – đong nước để đủ đun cho 20 lon gạo. Buổi hôm đó là ngày thử nghiệm hỗ trợ đoàn để quay toàn bộ tiến trình làm này, nên Y Sôn chỉ dùng 20 lon. Với đồng bào Ca Dong, để làm 1 Ghè rượu uống ngon và thơm họ cần 30-40 lon gạo bản địa, nếp Rẫy là chuẩn nhất.

“Gạo không cần phải vò gì cả”, mà đổ thẳng vào nồi đun; và củi chín đủ để đun nóng trong vòng 20-30 phút. Gạo và nước được đong và đun với tỉ lệ tương đối, căn chỉnh với nhiệt độ của lửa và nhiệt độ ngoài trời. Cơ bản, các chị em người Ca Dong không máy móc và công thức tính chi li cụ thể với các tỷ lệ rất chính xác; tất cả quy trình được thực hiện/trải nghiệm bằng đôi mắt và đôi tay đã quen việc của họ rồi.

Y Sôn và Nam ngồi chờ lửa và nồi đun sôi nóng chỉ một lúc, một điểm đặc biệt dễ nhận thấy đó là hai chị “nấu cơm rượu không cần chín hẳn”. Sau khi sôi một lúc, thì hai chị nhấc nồi; sau đổ ra và rải đều trên cái mẹt có mặt phẳng khô, dùng để phơi nguội cơm rượu.

Y Sôn nấu rượu.png

Hai chị chia sẻ thêm là khi phơi cơm là “không nên lấy đũa gõ vào nồi” hoặc “không nên lấy đũa gõ vào cái mẹt phơi cơm rượu” vì bà con tin rằng, nếu làm vậy thì khi mọi người uống rượu sẽ dễ bị đau đầu.

Sau khoảng 2 -3 giờ thì cơm đã nguội, chị Y Sôn mới rắc men đều trên mẹt đựng cơm; sau nhẹ nhàng phối trộn đều. Chị cũng chuẩn bị 1 Ghè sạch và cơm trộn men đã được chị khéo léo từng bốc tay - bỏ nhẹ nhàng, xoa đều đặt vào Ghè. Đoàn cũng hỏi cả hai chị “sao Y Sôn và Nam không cùng làm, không cùng trộn”. Hai chị đều nói là vì chị Nam đã tách hộ riêng, cho nên đến công đoạn này thì hai chị không nên trộn cùng. Sau khi bỏ gọn vào Ghè, chị Sôn đã bịt Ghè lại bằng 1 lớp lá chuối sạch, trên cùng thì đậy bằng túi ni-long, và buộc kín bằng dây chun thắt chặt. Sau khi hoàn thiện, chị đặt nhẹ nhàng vào 1 góc nhà. Chị cũng đặt gọn Ghè mới cùng với những Ghè cũ ở 1 góc nhà. Chị Sôn còn chia sẻ thêm, chỉ cần hơn 1 tuần là mình có thể dùng được rượu. Đoàn cũng tìm hiểu được thêm, thường Ghè rượu mà để càng lâu thì sẽ càng ngon và thơm nhưng tối đa chỉ nên là 16-18 ngày. Vị của rượu sẽ ngọt thơm vừa đủ độ.

Đây là một bài học mà vô tình đoàn Kiểm tra của Huyện cũng thăm nhà Già làng vào cùng ngày cũng đã được chứng kiến và học hỏi; mọi người đều mong sao cho vị rượu nếp bản địa của đồng bào ngày mãi được lưu giữ, lưu truyền và nổi tiếng hơn, nhiều người được thưởng thức. Câu chuyện này cũng chính là 1 phần của nghệ thuật ẩm thực, trong hệ thống lương thực thực phẩm của các cộng đồng bản địa. Quy trình làm và văn hóa làm nên 1 Ghè Rượu cũng phản ánh cả những bức tranh đa dạng sống động của cuộc sống, của những mối quan hệ xã hội, mối tương quan tự nhiên-sinh thái giữa nguồn tài nguyên thiên nhiên được bà con canh tác và lưu giữ từ lâu và cách thức đồng bào ứng xử, trân trọng và nâng niu những giá trị bản địa ấy.

Chat Dinh

Chat Dinh

dinhchat.poe@gmail.com