18-10-2021
Mô hình Vườn Rẫy của em Phạm Văn Xủa là mô hình thứ tư trong chuỗi các câu chuyện về các nhân vật điển hình tại các thôn làng tự nhận diện được các tác động bất lợi của phương thức canh tác độc canh cây mỳ để chủ động thay đổi.
Từ giữa năm 2020, nhận thấy công việc canh tác mỳ vất vả nhưng nguồn thu nhập thấp, đất đai ngày càng xấu đi, anh Phạm Văn Xủa đã bắt đầu chuyển đổi Rẫy mỳ sang trồng cây ăn quả và rau đa dạng loài. Trên diện tích hơn 3000m2, anh Xủa đã trồng được 74 cây ăn quả bao gồm: ổi, táo, đào, nhãn, mận và 57 hố chưa trồng. Ngoài cây ăn quả, anh Xủa đã trồng xen thêm cây cỏ voi, và áp dụng thêm nhiều kỹ thuật mới được học như: kỹ thuật đào hố trồng cây ăn quả, ủ phân trong hố, trồng và chăm sóc cây ăn quả, tỉa cành, tấp tủ phủ đất, bón phân (phân chuồng, các loài cây phân xanh) … để phục hồi nuôi dưỡng sức khỏe của đất, giảm xói mòn, hướng tới mô hình canh tác Vườn Rẫy bền vững.
Anh Xủa vẫn mong muốn sẽ tiếp tục phát triển Vườn Rẫy thành mô hình điểm trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững. Từ làng Vi Pờ Ê 2, xã Pờ Ê, những ví dụ thực tiễn từ các câu chuyện chuyển đổi Rẫy của anh Thấp, của A Chin, A Pủ, và Phạm Văn Xủa đã và đang cho thấy phần nào người dân cũng đã nhận diện ra được những bất cập từ việc canh tác sắn công nghiệp, từ hiệu quả kinh tế thấp đến những hệ lụy môi trường, cho thấy được quyết tâm và lòng mong mỏi muốn thay đổi của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bà con trong làng đã nhận thức được tác hại của việc phá rừng làm nương rẫy chỉ để trồng mỳ độc canh và việc sử dụng thuốc diệt cỏ, phân hóa học (lên cây mỳ) gây xói mòn đất, làm suy giảm nguồn nước trong những năm gần đây. Trong các cuộc tập huấn tại các thôn, nhiều người dân luôn đặt câu hỏi: “Liệu có cây trồng gì thay thế được cây mỳ không?” Nếu có, người dân sẳn sàng bỏ mỳ ngay. Một vài câu chuyện thực tế nêu trên đã và đang thể hiện các nỗ lực chuyển đổi, giảm dần mỳ (cây trồng kém hiệu quả) để chuyển sang các mô hình, phương thức canh tác bền vững sinh thái và đa dạng, hợp lý hơn, đáp ứng trực tiếp nhu cầu sinh kế hàng ngày của bà con.