08-10-2021
Trong quá trình tìm hiểu thêm các mô hình hay, những cách thức canh tác hoàn toàn tự nhiên của bà con đồng bào Ca Dong, nhóm nghiên cứu đã đến và tìm hiểu tại Làng Ngọc Na, thôn Đăk Lúp. Tại đây, hộ gia đình hai A Mới và vợ Y Xiên là một trong những mô hình điển hình và có nhiều bài học hay từ cách thức canh tác Rẫy truyền thống của gia đình.
Nhà anh A Mới có 4 rẫy đang canh tác, trong đó có 1 rẫy trồng lúa, 1 rẫy trồng cau,1 rẫy trồng mỳ cao sản và 1 rẫy trồng keo.
Trên rẫy lúa anh A Mới đang trồng nhiều giống bản địa cùng 1 lúc: Mao Mhim, Mao Pgrê, Mao Nênh và Mao Mhoa, các giống đều chín khoảng cuối tháng 10. Trong năm 2020 nhà anh A Mới thu được 5 bao lúa Mhim, 10 bao Giông Grê, và 10 bao giống Mhoa, và 5 bao lúa Nênh. Khi nhóm được anh A Mới dẫn đi tham rẫy trồng lúa, nhóm nhận thấy rằng lúa phát triển rất tốt. Vợ Anh A Mới là Y Xiên cũng chia sẻ rằng các loại rau như bí, đậu cô ve và mướp được trồng xen trên rẫy và xung quanh rẫy. Trên rẫy, hai vợ chồng trồng xen 2 kg hạt giống ngô. Tuy nhiên, năm nay, khi cây bắt đầu có quả bầy khỉ vào phá hết nên chỉ còn vài cây.
Trên rẫy mỳ, gia đình nhà A Mới trồng hai loại mỳ Goong (3 sào) và Mỳ cao Sản (5 sào). Một năm anh thu được khoảng 5 tấn mỳ cao sản, còn mỳ goong chủ yếu sử dụng cho gia đình để ăn dần.
Hiện tại gia đình A Mới thu nhập cao nhất là từ việc trồng Cau và anh đang trồng thêm cây cau trên rẫy mỳ. Anh có khoảng 200 cây trồng được 1 năm (cao khoảng 50cm) và 5 năm, một số đã có quả để thu. Mỗi buồng cau nặng khoảng từ 1 đến 5 kg, giá hiện tại từ 50.000 – 60.000/kg.
Điểm thú vị nhất nhóm học được từ mô hình trồng cau của anh Mới là kĩ thuật trồng xen canh cau và lúa. Trong khi trỉa lúa năm 2019, gia đinh A Mới đã trộn hạt keo cùng với hạt lúa để mọc cùng và khi lúa và keo lên cao thì anh làm cỏ và nhổ bớt keo con mọc dày đi. Năm đầu tiên lúa mọc tốt hơn keo, năm thứ 2 anh lại tiếp tục tỉa bớt keo cho keo mau lớn, dần dần hình thành mô hình Rẫy xen canh cau - lúa. Đây là cách làm vô cùng hay, thể hiện được sự thông minh, thấu hiểu của người Ca Doong đối tự nhiên và tận dụng, nương tựa vào những đặc điểm đó.
Phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống và những kĩ thuật canh tác là tri thức vô giá của đồng bào Ca Doong, được áp dụng qua bao đời nay dựa trên mối quan hệ chặt chẽ, nương tựa vào thiên nhiên. Những mô hình thế hệ trẻ như A Mới, Y Xiên chính là nơi những tri thức này được áp dụng, tiếp nối và gìn giữ cho thế hệ mai sau.